Chào mừng các bạn đến với Trang tin điện tử xã Xuân Du - Huyện Như Thanh - Tỉnh Thanh Hoá

Hội nghị trực tuyến về công tác sản xuất năm 2024

Đăng lúc: 00:00:00 07/11/2023 (GMT+7)
100%
Print

Chiều ngày 07 tháng 11 năm 2023 tại phòng trực tuyến xã Xuân Du, tiếp thu nội dung đánh giá công tác sản xuất năm 2023 và triển khai kế hoạch sản xuất năm 2024.

PHƯƠNG ÁN SẢN XUẤT VỤ XUÂN NĂM 2024 Phần thứ nhất ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ SẢN XUẤT VỤ XUÂN 2023 Phương án sản xuất vụ Xuân 2023 được tổ chức triển khai trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Thuận lợi cơ bản đó là: Sản xuất trồng trọt tiếp tục nhận được sự quan tâm của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, các ban, ngành, đoàn thể, sự tham gia phối hợp của tổ chức chính trị - xã hội; kinh nghiệm và sự tập trung chỉ đạo, điều hành của các đơn vị ngày càng có tính kế hoạch cao và khả năng xử lý hiệu quả các tình huống phát sinh trong sản xuất; dịch vụ phục vụ sản xuất được đáp ứng kịp thời; khoa học kỹ thuật mới được lựa chọn và ứng dụng rộng rãi; cơ chế chính sách từ Trung ương tới địa phương tiếp tục được triển khai hiệu quả. Bên cạnh những thuận lợi, sản xuất trồng trọt cũng gặp nhiều khó khăn đó là: Thời tiết, khí hậu có sự biến đổi khác biệt so với quy luật hàng năm; mưa muộn, lượng mưa ít; đầu vụ rét kéo dài, một số ngày rét đậm làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng, nhất là cây lúa; hầu hết diện tích lúa sinh trưởng chậm (Năm 2023 nhuận 2 tháng 2 âm lịch); giá vật tư nông nghiệp, nhiên liệu, nhất là phân bón giai đoạn đầu vụ cao ảnh hưởng đến khả năng đầu tư của nông dân. Lao động nông nghiệp ngày càng ít, trong khi mô hình sản xuất nông hộ vẫn chiếm đa số; đầu tư của các doanh nghiệp cho sản xuất trồng trọt còn hạn chế nhất là khâu liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất vụ Xuân 2023, Ngành Nông nghiệp và PTNT đã chủ động tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo; ban hành Phương án sản xuất trồng trọt tổng thể cả năm, triển khai sớm Phương án sản xuất vụ Xuân, từ đó các đơn vị đã căn cứ xây dựng Kế hoạch và Phương án của đơn vị mình với các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, sáng tạo và tổ chức chỉ đạo đồng bộ từ huyện đến các xã, thị trấn. Vì vậy sản xuất trồng trọt vụ Xuân năm 2023 đã đạt được những kết quả quan trọng. KẾT QUẢ SẢN XUẤT VỤ XUÂN NĂM 2023 1. Diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng vụ Xuân năm 2023 Tổng diện tích gieo trồng vụ Xuân 2023 là 5.860,1 ha/5.760 ha KH, đạt 101,7% KH và bằng 98,5% so với cùng kỳ (CK). Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 19.725 tấn, đạt 102,7% KH và bằng 104% so với CK. - Cây lúa: Diện tích 2.958,5 ha/2.925,5 ha KH, đạt 101,2% KH, bằng 99,2% so với CK. Trong đó: Diện tích lúa lai: 2.116,3 ha, chiếm 71,53% DT; diện tích lúa sử dụng phân viên: 2.706 ha, chiếm 91,5% DT; năng suất đạt 62,52 tạ/ha; sản lượng đạt 18.495 tấn. - Cây ngô thương phẩm: Diện tích 284,7 ha/220 ha KH, đạt 129,4% KH, bằng 100,4% so với CK; năng suất đạt 43,2 tạ/ha; sản lượng đạt 1.230 tấn. - Cây ngô làm thức ăn cho bò sữa: Diện tích 135,6 ha/120 ha KH, đạt 113% KH, bằng 108,8% so với CK; năng suất đạt 453,7 tạ/ha; sản lượng đạt 6.152 tấn. - Cây lạc: Diện tích 65,8 ha/65 ha KH, đạt 101,2% KH, bằng 103,8% so với CK; năng suất đạt 18,69 tạ/ha; sản lượng đạt 123 tấn. - Cây khoai lang: Diện tích 89,2 ha/88 ha KH, đạt 101,4% KH, bằng 106,4% so với CK; năng suất đạt 73,65 tạ/ha; sản lượng đạt 657 tấn. - Rau đậu các loại: Diện tích 683,2 ha/795,5 ha KH, đạt 85,9% KH, bằng 114,2% so với CK. Trong đó: Diện tích rau 515,25 ha, năng suất bình quân đạt 114,5 tạ/ha, sản lượng đạt 5.899,6 tấn; diện tích đậu 167,25 ha, năng suất bình quân đạt 11,68 tạ/ha, sản lượng đạt 195,4 tấn. - Cây sắn: Diện tích 781,5 ha/706 ha KH, đạt 110,7% KH và bằng 76,9% so với cùng kỳ. Trong đó: Diện tích sắn nguyên liệu 737,7 ha, năng suất đạt 179,48 tạ/ha, sản lượng đạt 13.240,5 tấn; diện tích sắn ăn củ 43,8 ha, năng suất 168,72 tạ/ha, sản lượng ước đạt 739 tấn. - Cây mía nguyên liệu: Diện tích trồng mới, trồng lại và lưu gốc vụ 2022-2023 là: 179,39 ha/155 ha KH, đạt 115,7% KH và bằng 113,3% so với cùng kỳ; năng suất 520,88 tạ/ha; sản lượng 9.340,4 tấn. - Cây trồng khác (cỏ voi, dong riềng, riềng, củ từ, cây dược liệu, cây gia vị...) đã trồng 682,2 ha/686 ha KH, đạt 99,4% KH. 2. Đánh giá 2.1. Những kết quả nổi bật 2.1.1. Công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất đạt hiệu quả rõ rệt Từ Phương án sản xuất vụ Xuân 2023 của huyện, các đơn vị đã xây dựng mục tiêu, giải pháp, hướng dẫn cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, tổ chức sản xuất có hiệu quả cao. Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện cùng các đơn vị phối hợp chặt chẽ, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp với diễn biến thời tiết và thị trường, hướng dẫn kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, khắc phục thiên tai, dịch bệnh; phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở để nắm bắt, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời. Công tác thông tin, tuyên truyền tiếp tục được quan tâm với nhiều hình thức khác nhau. Công tác kiểm tra, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp được tăng cường, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc BVTV; qua đó đã ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong kinh doanh, bảo vệ quyền lợi cho nông dân. Hoạt động dịch vụ công đáp ứng cơ bản các nhu cầu về điện, nước, máy móc, trang thiết bị vật tư phục vụ sản xuất; giúp nông dân tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất. Các HTX dịch vụ nông nghiệp được củng cố và thể hiện rõ vai trò phục vụ, tích cực phối hợp với các doanh nghiệp đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, liên kết bao tiêu sản phẩm các loại nông sản trên địa bàn huyện. Tuy có ảnh hưởng của khí hậu thời tiết nhưng nhìn chung các loại cây trồng sinh trưởng tốt, sâu bệnh phòng trừ kịp thời và được kiểm soát, mức độ đầu tư phân bón tuy có giảm hơn so các vụ trước song khá cân đối cùng với nguồn nước đảm bảo nên các loại cây trồng vẫn sinh trưởng tốt. 2.1.2. Thời vụ, cơ cấu giống có chuyển biến rõ rệt Cơ cấu giống cây trồng, thời vụ, tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực theo hướng phù hợp với chân đất, thích ứng với điều kiện thời tiết khí hậu và thị trường tiêu thụ; tỷ lệ lúa năng suất chất lượng cao tăng, trà xuân sớm tiếp tục giảm; tỷ lệ sử dụng các giống ngô mới, ngô biến đổi gen, rau chất lượng cao, năng suất cao… ngày càng nhiều. 2.1.3. Liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm tiếp tục được mở rộng Sản xuất liên kết gắn với bao tiêu sản phẩm tiếp tục duy trì và phát triển với diện tích trên 317 ha, trong đó: Mía nguyên liệu 179,39 ha, được ký hợp đồng liên kết với Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn; Ngô dày cho bò sữa 135,6 ha, được ký hợp đồng liên kết với Trang trại bò sữa Như Thanh; Nho sữa và rau má 1,8 ha, được ký hợp đồng liên kết với Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Phong Cách Mới Dưa Kim hoàng hậu 0,11 ha, được ký hợp đồng với Công ty TNHH dịch vụ nông nghiệp Rich Fam. 2.1.4. Các Chương trình, nhiệm vụ trọng tâm phát triển ngành trồng trọt tiếp tục đạt kết quả tích cực, điển hình là: Tích tụ tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được quan tâm: Tổng diện tích được tích tụ tập trung 6 tháng đầu năm 2023 đạt 165 ha/360 ha kế hoạch, đạt 42,3% kế hoạch năm 2023. Chuyển đổi linh hoạt diện tích đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang cây trồng khác vụ Xuân năm 2023 đạt 11,8 ha, trong đó: chuyển sang trồng cây hàng năm 8,3 ha, cây lâu năm 2 ha và trồng lúa kết hợp thủy sản 1,5 ha. Công tác phòng chống bệnh Khảm lá sắn theo Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh tiếp tục được quan tâm, triển khai ngay từ đầu vụ bằng các giải pháp cụ thể như tuyên truyền, tập huấn, kiểm soát việc vận chuyển giống sắn, không sử dụng các giống đã nhiễm bệnh, lựa chọn giống mới kháng bệnh, có năng suất cao đưa vào gieo trồng, xử lý tàn dư đồng ruộng. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiếp tục được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất: Cơ giới hóa đồng bộ tiếp tục phát triển mạnh nhất là khâu làm đất, thu hoạch và gieo cấy; sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, thảo dược được ưu tiên, các quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, VietGAP,... ngày càng được mở rộng cho nhiều đối tượng cây trồng. Xây dựng mã số vùng trồng: Trong năm 2023 đã tổ chức được 01 lớp tập huấn về cấp mã số vùng trồng, đến nay toàn huyện có 14 ha được cấp mã số vùng trồng gồm 12 ha Thanh long ruột đỏ tại xã Xuân Du và 2 ha rau dưa các loại tại xã Phú Nhuận. 2.2. Những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân 2.2.1. Tồn tại, hạn chế Sản xuất vụ Xuân 2023 vẫn còn một số tồn tại đó là: Một số đơn vị vẫn chưa cương quyết trong chỉ đạo thời vụ, vẫn để xảy ra tình trạng gieo cấy lúa sớm hơn thời vụ khuyến cáo của UBND huyện dẫn đến một số diện tích khi phân hóa đòng gặp rét bị thoái hóa hạt đầu bông làm năng suất giảm. Việc phòng trừ chuột tại một số đơn vị chưa tổ chức đồng loạt nên hiệu quả thấp. Các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn tuy có chuyển biến song vẫn chưa xứng với tiềm năng; liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản còn thiếu bền vững. Diện tích áp dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh còn hạn chế. 2.2.2. Nguyên nhân - Khách quan: Ảnh hưởng của khí hậu thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, thời tiết cực đoan xuất hiện trái quy luật với tần suất cao làm cho cây trồng sinh trưởng bất thuận; cùng với sự bất ổn an ninh chính trị toàn cầu tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội; quy mô sản xuất ngành Trồng trọt vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu vẫn ở hình thức sản xuất nông hộ; hạ tầng phục vụ sản xuất nhiều nơi vẫn chưa được đầu tư đồng bộ. - Chủ quan: Một số đơn vị còn chưa thực sự quan tâm và có giải pháp cụ thể, hiệu quả đối với sản xuất nhất là: Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; việc quan tâm xây dựng vùng trồng, thương hiệu nông sản còn chưa rõ nét. Phần thứ hai PHƯƠNG ÁN SẢN XUẤT VỤ XUÂN NĂM 2024 I. DỰ BÁO MỘT SỐ YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN SẢN XUẤT 1. Tình hình thời tiết khí hậu, thủy văn, nguồn nước Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong những tháng cuối năm 2023 đến tháng 3/2024, hiện tượng El Nino (pha nóng) vẫn tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 85-95%, cường độ có xu hướng giảm dần. Nhiệt độ và không khí lạnh: Tháng 11 - 12/2023 phổ biến cao hơn TBNN khoảng 0,50C - 1,50C; thời kỳ đầu mùa đông 2023 - 2024 không khí lạnh có khả năng hoạt động yếu và rét đậm, rét hại có khả năng hoạt động muộn; tháng 01 - 3/2024 số ngày rét đậm, rét hại có khả năng ít hơn TBNN. Các đợt rét đậm, rét hại có xu hướng không kéo dài. Lượng mưa, dòng chảy: Tổng lượng mưa khu vực Bắc Trung Bộ trong tháng 11/2023 ở mức cao hơn từ 15 - 30%. Tháng 12/2023, tổng lượng mưa tại Bắc Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 20 - 40% so với TBNN cùng thời kỳ. Tháng 01 -02/2024, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến cao hơn so với TBNN khoảng từ 5 - 10mm. Tháng 3/2024 tổng lượng mưa thấp hơn từ 5 - 10mm so với TBNN cùng thời kỳ (tổng lượng mưa phổ biến từ 30 - 60mm). Như vậy, mùa đông 2023 - 2024 không khí lạnh có khả năng hoạt động yếu, rét đậm, rét hại có khả năng hoạt động muộn hơn TBNN, nhiệt độ cao hơn TBNN từ 0,50C - 1,50C; nguồn nước phục vụ sản xuất cơ bản đầy đủ. 2. Nhận định thuận lợi, khó khăn - Thuận lợi: Vai trò của sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực Trồng trọt nói riêng được khẳng định trong việc đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội, nâng cao giá trị, tạo nguyên liệu phục vụ chế biến. Do đó, sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân đến sản xuất Trồng trọt ngày càng sâu sắc. Khoa học công nghệ ngày càng phát triển, được ứng dụng nhanh và có hiệu quả vào sản xuất nhất là chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Tín hiệu thị trường nông sản trên thế giới và Việt Nam với xu hướng tăng nhu cầu về số lượng, chủng loại và giá cả nhất là giá lúa gạo, tạo cơ hội cho sản xuất phát triển nhất là sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng cao. Công tác quản lý nhà nước, định hướng sản xuất cùng với kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành được tích luỹ qua thực tế giúp cho việc định hướng xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ở các cấp sát thực tế, đạt hiệu hiệu quả cao. - Khó khăn Tình hình an ninh, chính trị thế giới diễn biến khó lường; biến đổi khí hậu có thể gây các hiện tượng thời tiết cực đoan trái quy luật với tần suất và cường độ ngày càng phức tạp. Dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thị trường vẫn diễn biến khó lường, khó dự báo là nguy cơ gây khó khăn cho sản xuất Trồng trọt. Hình thức sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ, quy mô sản xuất ở hộ gia đình là chủ yếu; nguồn lực đầu tư cho phát triển Nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế; chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn dẫn đến thiếu hụt lao động trong sản xuất Trồng trọt. II. MỤC TIÊU SẢN XUẤT VỤ XUÂN 2024 Mục tiêu sản xuất vụ Xuân 2024: Toàn huyện gieo trồng 5.760 ha, sản lượng lương thực phấn đấu đạt 17.810 tấn, trong đó: diện tích lúa 2.883 ha, năng suất 58 tạ/ha trở lên, sản lượng 16.720 tấn trở lên (Trong đó, diện tích lúa nếp 120 ha (chiếm 4,14 %) trở lên, năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha, tổng sản lượng lúa nếp đạt từ 660 tấn); diện tích ngô thương phẩm 260 ha, năng suất 42 tạ/ha, sản lượng 1.090 tấn; lạc 60 ha, năng suất 18 tạ/ha, sản lượng 108 tấn; rau các loại và cây trồng khác: Khoai lang, mía, sắn, ngô thức ăn chăn nuôi, cỏ voi, dong, riềng, củ từ, cây dược liệu, cây gia vị... 2.557 ha (Kế hoạch chi tiết tại phụ lục 01 kèm theo). III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU 1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý nhà nước trong điều hành sản xuất gắn với làm tốt công tác thông tin tuyên truyền Bám sát mục tiêu sản xuất năm 2024; trên cơ sở điều kiện thực tế của đơn vị, xây dựng phương án sản xuất; giao chỉ tiêu chi tiết đến các thôn, bản, khu phố đề ra các giải pháp thực hiện cụ thể; phân công nhiệm vụ cho từng tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy chính quyền, người đứng đầu và sự tham gia có hiệu quả của các tổ chức chính trị xã hội đảm bảo cơ cấu cây trồng và thời vụ gieo trồng phù hợp với từng vùng, ưu tiên sản phẩm có thị trường và sản xuất theo hợp đồng. Đẩy mạnh công tác thông tin, hướng dẫn, đôn đốc và giảm sát; tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp, sớm phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm; công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho nông dân biết và chủ động lựa chọn vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng. 2. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao theo Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/01/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII); tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ dân để tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Mục tiêu năm 2024 toàn huyện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết 13/2019/NQ-TU ngày 11/01/2019 tăng thêm 310 ha. Do vậy các xã, thị trấn cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện, khuyến cáo nhân rộng các mô hình tích tụ tập trung đất đai hiệu quả, triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ, qua đó giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân lựa chọn cây trồng, hình thức tích tụ tập trung đất đai phù hợp để phát triển, gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Tập trung chỉ đạo để khắc phục triệt để tình trạng bỏ ruộng, bỏ vụ không gieo trồng. 3. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh Các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp hữu cơ theo Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 01/8/2023 của UBND huyện về Phát triển nông nghiệp hữu cơ huyện Như Thanh, giai đoạn 2023 - 2030: lựa chọn đối tượng cây trồng và địa bàn để chỉ đạo, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư; chỉ đạo hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ dân. 4. Nhóm giải pháp kỹ thuật 4.1. Bố trí cơ cấu thời vụ và giống cây trồng hợp lý Vụ Xuân 2024 tiết “Đại Hàn” vào ngày 21/01/2024 (tức 11/12 Âm lịch), đây là giai đoạn dự báo có tần suất rét đậm cao nhất trong năm; tiết “Lập Xuân” vào ngày 04/02/2024 (tức ngày 25/12 Âm lịch), Cốc vũ vào ngày 20/4/2024 dương lịch (ngày 12/3 âm lịch). Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vụ Xuân năm 2024 dự kiến sẽ là vụ sản xuất có nền nhiệt độ trung bình cao hơn TBNN từ 0,50C - 1,50C và ẩm hơn TBNN cùng thời kỳ. Quan điểm bố trí thời vụ và cơ cấu lúa là: tăng diện tích sản xuất trà Xuân muộn, ưu tiên sử dụng giống ngắn ngày chất lượng cao, giống dài ngày chỉ bố trí trên các chân đất đặc thù; khuyến cáo mở rộng diện tích lúa nếp, giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, gạo ngon, hạt dài. Lấy mốc thời điểm cây trồng trỗ bông từ 25/4 - 05/5/2024 (trong đó lúa trỗ tập trung từ 25/4 đến 30/4), để làm căn cứ tính thời điểm gieo mạ phù hợp cho từng giống và từng trà lúa của địa phương. Bố trí gọn từng trà mỗi cánh đồng chỉ sử dụng từ 1 - 2 loại giống, gieo tập trung trong khoảng 3 - 5 ngày. Trên cơ sở đó, UBND huyện khuyến cáo cơ cấu trà, chân đất và bộ giống phục vụ sản xuất như sau: * Cây Lúa: Đối với những khu đồng có tiểu khí hậu đặc thù như: ruộng vùng cao, ruộng ở chân núi đá, ruộng ở thung lũng, vùng sâu trũng, ruộng canh tác nhờ nước trời tập trung gieo cấy ở trà Xuân chính vụ bằng các giống chịu rét, có thời gian sinh trưởng từ 135 - 150 ngày như các giống Xi23, X21, 13/2 giống địa phương. Thời gian gieo mạ từ 15 - 25/12/2023. Các khu vực còn lại sử dụng các giống có năng suất cao, chất lượng khá trở lên, tập trung các giống lúa lai như: Thái xuyên 111, VT 404, Quốc Tế 1, Thụy hương 308, Long Hương 8117, Nhị ưu 838, Nhị ưu 986, Hương ưu 98, Phú ưu 978, Việt Lai 20,…; Các giống lúa thuần: TBR45, TBR 1, Q5, Kim cương 90, Lam Sơn 8, DT 80, Hương Thanh, Hương Bình, QR1, DQ 11, N24, HANA167, ADI 168, Bắc thơm số 7, Hương Thanh 8, TH8, Tân Ưu 98, HG12, Thiên Hương 6, ...: Thời gian gieo mạ từ 05 - 10/01/2024. * Cây ngô: Đất chuyên màu, đất bãi, đất lúa khó tưới chuyển sang trồng ngô thì sử dụng các giống: PSC747, CP311, CP511, NK7328, NK6275,VS36 và ngô nếp các loại. Đất đồi thấp sử dụng các giống: K4300, CP512, CP111, NK6253, CP501S, DK6919S... * Cây lạc: Đất chuyên màu, đất bãi chủ yếu sử dụng các giống: L14, L18, L23, L26, TB 25. * Cây rau màu: lựa chọn các giống cây trồng thích hợp với từng vùng, từng đơn vị, có thị trường tiêu thụ để mở rộng diện tích như rau an toàn, ớt, cây thức ăn gia súc, ... đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc bố trí các cây màu trên đất trồng lúa được chuyển đổi. Những nơi khó khăn về nước tưới cần tranh thủ thời tiết có mưa, đất đủ ẩm để gieo trồng, chăm sóc và linh hoạt các hình thức tưới có hiệu quả cho cây trồng. * Cây mía trồng mới, cây sắn và cây ăn quả: Sử dụng giống mía có năng suất, chữ đường cao, nhất là các giống được sản xuất bằng phương pháp nuôi cây mô để trồng mới; lựa chọn, tổ chức cung ứng giống sắn từ các vùng chưa bị nhiễm bệnh khảm lá đồng thời tiếp tục du nhập giống sắn kháng bệnh khảm lá để gieo trồng; Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng để mở rộng diện tích cây ăn quả tập trung theo đề án đã được phê duyệt; tranh thủ thời tiết có mưa ẩm để gieo trồng các loại mía sắn, cây ăn quả. 4.2. Thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh Làm ải, ngâm dầm tối đa diện tích đất không gieo trồng vụ Đông; những diện tích làm vụ Đông phải thu hoạch và vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ trước khi làm đất gieo trồng vụ Xuân. Không gieo trồng, chăm sóc bón phân trong những ngày có nhiệt độ dưới 160C; che phủ nilon 100% cho mạ vụ Xuân; mở rộng diện tích làm mạ khay, máy cấy, gieo hạt bằng máy, làm bầu, bánh, nhân giống trong vườn ươm trước khi ra ruộng sản xuất. Bón phân cân đối theo phương châm nặng đầu, nhẹ cuối, bón tập trung; tăng cường sử dụng vôi bột cải tạo đất và sử dụng phân hữu cơ và phân NPK tổng hợp chuyên dùng cho cây trồng theo khuyến cáo của các đơn vị sản xuất kinh doanh có thương hiệu uy tín như: Tiến Nông, Lâm Thao, Bình Điền, Thiên Nông, Phú Nông, Phúc Thịnh, Long Điền,... Ứng dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất: cấy hiệu ứng hàng biên; áp dụng quản lý dinh dưỡng, quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng phân viên dúi sâu cho các vùng không chủ động nước tưới, vùng chủ động nước tưới thực hiện quy trình rút nước lộ ruộng (nông lộ phơi), che phủ nilon, màng hữu cơ trên các loại cây rau màu, cây lạc. Tập trung mở rộng diện tích gieo trồng theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, sản xuất hữu cơ; đồng thời thực hiện tốt việc phơi sấy, bảo quản để đảm bảo chất lượng nông sản. Rà soát đất 1 vụ lúa xây dựng phương án cải tạo đất lúa 1 vụ đảm bảo điều kiện gieo trồng thành 2 vụ lúa bằng các biện pháp như khai hoang, phục hóa, cải tạo đồng ruộng, nâng cao độ phì đất, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi,... ; đồng thời kịp thời cập nhật biến động đất lúa hàng năm báo cáo các phòng chuyên môn cấp huyện bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất. 4.3. Phòng trừ tốt các đối tượng sâu bệnh gây hại cây trồng Vụ Xuân là vụ có nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại. Việc phòng trừ sâu bệnh trước hết phải làm tốt công tác dự tính dự báo, phát hiện sớm và khoanh vùng phòng trừ kịp thời, không để lây lan thành dịch, Trung tân dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn giám sát chặt chẽ các đối tượng sâu bệnh và hướng dẫn biện pháp phòng trừ một cách cụ thể, tuy nhiên để chủ động các đợn vị cần lưu ý một số đối tượng sau: Cây lúa: Bệnh lùn sọc đen phương Nam; Bệnh đạo ôn lá và cổ bông; Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn; Bệnh khô vằn; Bệnh đen lép hạt; Bọ trĩ, ruồi đục nõn; Sâu cuốn lá nhỏ; Sâu đục thân 2 chấm; Rầy nâu, rầy lưng trắng. Cây Ngô: Sâu keo mùa thu; Bệnh lùn sọc đen phương Nam; Sâu xám, sâu ăn lá, sâu đục thân sẽ; Rệp cờ, sâu đục bắp. Cây Lạc: Bệnh lở cổ rễ, bệnh héo xanh, héo gốc mốc trắng, đốm lá, gỉ sắt, bệnh héo vàng và bệnh thối tia, thối củ. Các loại sâu hại như: sâu xanh, sâu khoang, sâu cuốn lá lạc là các đối tượng cần chú ý quan tâm vì các đối tượng này có thể phát sinh sớm với mật độ cao và gây hại trên diện rộng. Cây sắn: Bệnh khảm lá sắn vẫn có nguy cơ bùng phát trên diện rộng và mức độ gây hại lớn Chuột: Vụ Xuân chuột sẽ gây hại ngay từ đầu vụ và suốt trong quá trình sinh trưởng của cây trồng, đặc biệt là vào cuối tháng 3 đầu tháng 4. 5. Tổ chức tốt việc cung ứng, dịch vụ phục vụ sản xuất Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, các Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp có kế hoạch cung ứng đủ giống, vật tư, phân bón cho nông dân đảm bảo chất lượng, đủ số lượng, đúng chủng loại, kịp thời vụ, giá cả hợp lý và tạo điều kiện cho nông dân sản xuất đạt hiệu quả cao. Công ty TNHH một thành viên Sông Chu chi nhánh thủy lợi Như Thanh, Triệu Sơn, Thị xã Nghi Sơn căn cứ vào thời vụ gieo trồng, các thời điểm cần nước xây dựng kế hoạch cung cấp nước, điều tiết hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ làm thủy lợi mùa khô, rà soát, tu sửa, cải tạo các công trình thủy lợi; đồng thời có phương án chống hạn cho vụ Xuân 2024 trong điều kiện có thể xảy ra hạn hán. Thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo và công tác dịch vụ phòng trừ sâu bệnh, không để sâu bệnh phát sinh thành dịch, đặc biệt lưu ý các đối tượng sâu bệnh chính như rầy nâu, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá. Trước mặt tập trung tổ chức diệt chuột đồng loạt cuối vụ Đông và đầu vụ Xuân. 6. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với sản xuất Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh, buôn bán giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong kinh doanh, buôn bán giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tiếp tục kiểm tra việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở các khu vực sản xuất, đặc biệt ở các khu vực chuyên sản xuất rau, củ quả tập trung. Phát hiện và xử lý nghiêm việc sử dụng thuốc BVTV cấm sử dụng, thuốc ngoài danh mục theo quy định của pháp luật. 7. Tiếp tục đấy mạnh liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản; xây dựng và nhân rộng các mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp Tổng kết các mô hình liên kết đã thực hiện, qua đó đánh giá ưu khuyết điểm và xây dựng mục tiêu, gải pháp phát triển các chuỗi liên kết sản xuất. Tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tham gia đầu tư liên kết, chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích các HTX tiếp tục đổi mới phương thức sản xuất, tổ chức dịch vụ, trở thành cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt định hướng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản. Phát triển HTX sản xuất nông nghiệp kiểu mới để đẩy mạnh liên kết phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho doanh nghiệp chế biến, tạo thành các chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng, nhân rộng các mô hình: Nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thích ứng với biển đổi khí hậu, ...: Mỗi đơn vị cơ sở có ít nhất tăng thêm 01 mô hình: lựa chọn đối tượng cây trồng chủ lực và có lợi thế, lựa chọn địa điểm và tổ chức sản xuất phù hợp, kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc hộ gia đình có khả năng đầu tư để xây dựng các mô hình thí điểm gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Ngành nông nghiệp - Phòng Nông nghiệp và PTNT: Thực hiện tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị nhằm tổ chức thực hiện phương án sản xuất vụ Xuân đạt kết quả cao; tăng cường công tác quản lý nhà nước về các loại vật tư nông nghiệp thuộc ngành quản lý. - Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện: Đấu mối với các đơn vị cung ứng giống trên địa bàn tỉnh, cung ứng giống đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng; hướng dẫn cơ cấu giống, thời vụ, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, đồng thời tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Tập trung triển khai xây dựng các mô hình trình diễn; tổng kết, phổ biến các mô hình có hiệu quả kinh tế để nhân rộng trong sản xuất. Xây dựng và thực hiện phương án phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, an toàn. Thường xuyên theo dõi tình hình phát sinh, gây hại của các loại sâu bệnh; dự tính, dự báo chính xác thời điểm phát sinh để chủ động chỉ đạo phòng trừ hiệu quả; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cung ứng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. 2. Đề nghị các ngành liên quan và các tổ chức đoàn thể Theo chức năng nhiệm vụ của mình tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho sản xuất; tuyên truyền và vận động các tổ chức, cá nhân, thành viên, hội viên hưởng ứng tham gia sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; vận động và tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất vụ Xuân 2024. Trung tâm Văn hóa thông tin thể thao và Du lịch huyện phối hợp với các phòng, ban chức năng liên quan đăng nhiều tin bài, nhất là hướng dẫn kỹ thuật và thông tin nhanh các điển hình trong sản xuất, đẩy mạnh phong trào thi đua hoàn thành mục tiêu Kế hoạch sản xuất vụ Xuân 2024. 3. Đối với UBND các xã, thị trấn Từ Phương án của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn xây dựng Phương án sản xuất phù hợp; tập trung chỉ đạo các giải pháp để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch, các giải pháp cụ thể của sản xuất vụ Xuân năm 2024; tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng và cơ cấu giống. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất. Chỉ đạo thực hiện kế hoạch tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao năm 2024; mời gọi doanh nghiệp vào xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị sản xuất. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giống, phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn. Đảm bảo tốt các điều kiện về nước cho gieo cấy, chăm sóc, ứng phó tốt với các điều kiện bất thuận về thời tiết và sâu bệnh, không để bị động, thất thiệt. Chỉ đạo các HTX và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện tốt các khâu dịch vụ về cung ứng giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; dịch vụ đầu vào, dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho nông dân được thuận lợi. Quan tâm chỉ đạo thành công các mô hình sản xuất để làm cơ sở nhân ra diện rộng cho các mùa sau, năm sau. - Xây dựng thiết lập mã số vùng trồng để dần thay đổi tập quán canh tác của người sản xuất, đáp ứng nhu cầu truy xuất nguồn gốc của thị trường tiêu thụ và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất. 4. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống, vật tư và các sản phẩm trồng trọt trên địa bàn huyện. Các doanh nghiệp phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp và UBND các xã, thị trấn tăng cường đầu tư, hỗ trợ nhân dân về vật tư, kỹ thuật để thúc đẩy phát triển sản xuất; tham gia liên kết đầu tư sản xuất, tìm kiếm thị trường và bao tiêu sản phẩm cho nhân dân theo mô hình chuỗi giá trị, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với chất lượng giống, vật tư, phân bón, thuốc BVTV của mình khi cung ứng cho nhân dân./.
điểm cầu tại huyện.jpgcử tri 1.jpgđiểm cầu tại huyện.jpggiáo dục 1.jpg

Công khai kết quả giải quyết TTHC

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289