Chào mừng các bạn đến với Trang tin điện tử xã Xuân Du - Huyện Như Thanh - Tỉnh Thanh Hoá

Ban chỉ huy công an phối hợp với đoàn thanh niên

Đăng lúc: 00:00:00 24/06/2024 (GMT+7)
100%
Print

Tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật về chống lừa đảo, gian lận

THÔNG BÁO Phương thức, thủ đoạn của tội phạm trộm cắp tài sản và một số biện pháp phòng ngừa Thời gian qua các hành vi trộm cắp tài sản vẫn còn diễn ra ở nhiều địa bàn, nhất là các khu vực giáp danh. Đáng chú ý, nguyên nhân các vụ trộm cắp tài sản chủ yếu là do sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của người dân, người quản lý bảo vệ tài sản trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các hộ gia đình, như: Không khóa cổ, khóa xe máy, để phương tiện ở những nơi không có người trông coi; nhà ở, cửa hàng khóa bằng các loại khóa không an toàn, quên không khóa cửa nhà, cửa phòng làm việc, cửa sổ, không có bảo vệ hoặc bảo vệ lỏng lẻo, không lắp đặt camera giám sát an ninh, hệ thống chống trộm, đèn chiếu sáng, tường rào không đảm bảo,… để các đối tượng lợi dụng hoạt động và thực hiện hành vi phạm tội. Để tăng cường các biện pháp bảo vệ tài sản, biết và nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn của loại tội phạm này. Ủy ban nhân dân xã Xuân Du thông báo tới các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các hộ tiểu thương mua bán và các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn xã biết phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm trộm cắp tài sản và yêu cầu thực hiện một số giải pháp phòng ngừa sau: 1. Phương thức, thủ đoạn 1.1 Thủ đoạn trộm cắp xe gắn máy: - Các đối tượng lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người dân quản lý xe gắn máy như: dựng xe không sử dụng khoá chống trộm, không có người trông coi, cổng khoá không đảm bảo, để dọc tuyến đường, để ở vỉa hè trước cửa nhà, nơi khuất tầm nhìn hoặc thậm chí nạn nhân còn gắn sẵn chìa khoá trên xe, đối tượng dùng chìa khoá vạn năng để phá khoá trộm xe. - Đối tượng trộm cắp làm giả thẻ giữ xe đánh tráo, ghi thêm, xoá bớt vào vé xe, trên thân xe hoặc sử dụng biển số xe máy giả để trộm cắp xe máy ở bãi giữ xe, giữ xe không lấy vé. 1.2 Thủ đoạn trộm cắp phụ tùng, thiết bị xe ô tô (gương, lô gô, cần gạt nước, camera lùi...) và đập kính xe ô tô trộm cắp tài sản Lợi dụng ban đêm hoặc sở hở của chủ tài sản khi đỗ xe ô tô ở nơi vắng vẻ, khuất tầm nhìn, không có bảo vệ hoặc camera an ninh. Chúng sử dụng những vật dụng kim loại cứng có đầu nhọn hoặc dùng búa đập phá cửa kính trộm cắp tài sản trong xe hoặc trộm cắp logo, gương chiếu hậu và cần gạt nước những loại xe có giá trị cao. Đặc biệt, tội phạm thường chú ý vào các chủ tài sản vừa giao dịch, rút tiền mặt số lượng lớn từ các ngân hàng, máy rút tiền, các cửa hàng vàng, trang sức, đá quý... 1.3 Thủ đoạn trộm cắp tài sản tại các trụ sở cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, trường học: Thường có từ 01- 02 đối tượng lợi dụng đêm tối, khi cơ quan vắng người, bảo vệ lơ là mất cảnh giác, chỉ tập trung ở khu vực cổng, các đối tượng dùng kìm cộng lực, máy khò cắt khóa cửa, két sắt, hàng rào, bãi giữ xe của cơ quan doanh nghiệp, trường học... để đột nhập trộm cắp tài sản. 1.4 Thủ đoạn trộm cắp tài sản ở nhà dân: - Những hộ gia đình đối tượng nhắm đến là những hộ gia đình thường xuyên vắng nhà không người trông coi, hộ gia đình biệt lập, hộ không trang bị hệ thống chống trộm...Hướng đột nhập thường là cổng chính, cổng sau, cửa sổ, cửa lầu, ô thông gió... - Vào ban đêm, ngoài các hình thức cắt khoá đột nhập vào nhà để trộm cắp tài sản thì hiện nay các đối tượng thường chọn những hộ gia đình đi ngủ không đóng, khoá cửa vào mùa hè, lợi dụng khi bà con đã ngủ say thì đột nhập vào nhà để trộm cắp tài sản như điện thoại, ví tiền, máy tính và các vật có giá trị ở các vị trí dễ thấy, dễ lấy như ở bàn tiếp khách, cắm sạc điện thoại gần của sổ, để ví tiền trong quần treo lên móc… Lợi dụng đêm tối, lúc bà con ngủ say để trộm trộm chó, gà và cây cảnh gây bức xúc cho nhân dân. Hầu hết các đối tượng chọn những nhà có chuồng trại không đóng khoá cẩn thận, chó mèo không xích nhốt để chạy ngoài đường… để thực hiện hành vi trộm cắp. 1.5 Thủ đoạn trộm cắp két sắt: Các đối tượng chủ động tìm kiếm và xác định địa điểm trộm cắp, sau đó quan sát đặc điểm hiện trường và các biện pháp bảo vệ, theo dõi đặc điểm hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp, giờ giấc sinh hoạt của gia đình. Sau khi xác định điều kiện thuận lợi các đối tượng lợi dụng ban đêm để đột nhập. Sau đó sử dụng búa, kìm cộng lực, xà beng, để phá két và lấy trộm tài sản trong két rồi tẩu thoát. 2. Một số biện pháp phòng ngừa - Đối với xe gắn máy cần phải trang bị thêm khoá chống trộm (khoá bánh, khoá chống trộm, còi báo động...), khoá thắng đĩa, khoá chân chống. Chú ý khi để xe ở những nơi công cộng, cơ sở dịch vụ phải có người trông coi (có thể gửi xe), khi về nhà tạo thói quen đưa xe máy vào bên trong nhà, không nên để xe trước sân nhà, hành lang, rút chìa khoá xe cất an toàn dù xe vẫn để ở nhà, khi gửi xe phải nhận thẻ giữ xe. Không để tiền, vàng với số tiền lớn trong cốp xe. - Đối với các chủ sở hữu xe ô tô không lơ là, chủ quan trong việc bảo vệ tài sản của mình, không đỗ xe những nơi vắng vẻ, không có người trông coi. Gia đình có xe ô tô nên trang bị thiết bị chống trộm, thiết bị báo động để kịp thời phát hiện các trường hợp tác động ngoại lực vào xe. Đặc biệt, người dân không để tiền mặt, tài sản có giá trị lớn trên xe ô tô mà thiếu các biện pháp bảo vệ, quản lý - Đối với các hộ gia đình cần gia cố cửa nhà, sử dụng các loại khoá có chức năng chống trộm, chống axit, “khoá trong” để chống cắt phá khoá. Khi ngủ cần kiểm tra kĩ các cửa ra vào, cửa sổ, các cửa trên tầng, cửa ra ban công, sân thượng. Khi vắng nhà qua đêm, vắng nhà nhiều ngày phải nhờ người trong coi . Nên làm tường rào chặn việc đối tượng trèo từ cây xanh, trụ điện gần để đột nhập vào nhà, khuyến khích trang bị camera giám sát hoặc chuông báo động chống trộm để quan sát từ xa. Tạo mối quan hệ gắn bó với mọi người xung quanh, phải biết số điện thoại của hàng xóm, công an để được hỗ trợ. Đối với gia súc, gia cầm, bà con nên xích, nhốt chó trong chuồng hoặc trong khu vực nhà ở, không thả rông chạy ngoài đường, gia cố chuồng trại, thay các khóa cổng, chuồng trại có chất lượng, sử dụng đèn sáng để chiếu sáng ban đêm hay sử dụng hệ thống dây chuông tự động để khi các đối tượng vào trộm chuông sẽ phát tiếng kêu. - Đối với các cơ quan doanh nghiệp, trường học phải có biện pháp quản lý chặt chẽ cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, khách ra vào cơ quan giao dịch công tác. Cán bộ công nhân viên, giáo viên các cơ quan đơn vị hết giờ làm việc phải kiểm tra khóa toàn bộ cửa phòng, kho, phân xưởng cẩn thận trước khi về; không để tài sản ngoài sân, ngoài hè gây sở hở để các đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Kịp thời thay, sửa khóa cửa, tủ, két khi bị hư hỏng, lắp đặt hệ thống camera trong và ngoài cơ quan đảm bảo quan sát toàn bộ lối đi, cầu thang bộ, khu vực để xe và xung quanh cơ quan, doanh nghiệp; bố trí đủ lực lượng bảo vệ, trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ để phục vụ công tác đảm bảo an toàn cho đơn vị. - Khi phát hiện đối tượng đang thực hiện hành vi trộm cắp thì phải bình tĩnh, sử dụng đèn pin chiếu sáng soi rọi trực tiếp vào mặt đối tượng, nhanh chóng ghi nhớ đặc điểm của đối tượng và phương tiện của đối tượng (nếu có), đồng thời truy hô cho hàng xóm xung quanh hỗ trợ và gọi điện báo cho Công an viên thôn, xã nhanh nhất có thể. Thực hiện việc truy đuổi đối tượng trộm cắp nếu có đủ điều kiện an toàn (Ví dụ: có người đuổi cùng, có đủ phương tiện, trang bị cần thiết và thiết bị chiếu sáng để truy đuổi… và tuyệt đối phải luôn luôn chú ý điều kiện an toàn của bản thân trong quá trình truy đuổi); - Nếu bắt giữ được đối tượng trộm cắp thì phải nhanh chóng báo cho Công an viên thôn, Công an xã, không được xâm hại tính mạng, sức khỏe, tài sản, tang vật, phương tiện mang theo của đối tượng. Đề nghị các đồng chí cán bộ, công chức, các đồng chí Trưởng thôn tuyên truyền rộng rãi nội dung trên để toàn thể người dân được biết và phòng tránh. Khi phát hiện các sự việc nghi vấn liên hệ ngay cho Công an xã Xuân Du qua Đ/c Hà Viết Thành - Trưởng Công an xã, SĐT: 0969.045.089; Đ/c Lê Thế Anh - Phó trưởng Công an xã, SĐT: 0358.813.426./.

Công khai kết quả giải quyết TTHC

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289